Ấn Độ hiện là thị trường tiêu dùng lớn thứ ba thế giới, với mức chi tiêu dự kiến sẽ tăng từ 1,5 nghìn tỷ USD hiện nay và có thể lên gần 6 nghìn tỷ USD vào năm 2030, nhưng để tiếp cận và kinh doanh tại thị trường này các DN cần phải thích ứng với sự đa dạng và những nét đặc thù cao của văn hóa xã hội Ấn Độ, theo ông Chia Zhi Wei.
Ông Chia Zhi Wei, chuyên gia xúc tiến thương mại và hỗ trợ xuất khẩu người Singapore.
Ông Chia Zhi Wei đã có 5 năm làm việc ở cơ quan xúc tiến thương mại và công nghiệp nhà nước Singapore và 2 năm làm việc tại Nam Ấn trong vai trò người tư vấn và hỗ trợ xuất khẩu cho các doanh nghiệp Singapore vào Ấn Độ.
Với quy mô dân số 1,4 tỷ dân, quốc gia lớn thứ 7 theo khu vực, và nền kinh tế lớn thứ 3 tính theo sức mua, ông Chia Zhi Wei cho biết, Ấn Độ hiện là thị trường tiêu dùng lớn thứ ba, với mức chi tiêu dự kiến sẽ tăng từ 1,5 nghìn tỷ USD hiện nay lên gần 6 nghìn tỷ USD vào năm 2030.
Đặc biệt, các sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia dụng chiếm 50% doanh thu của các mặt hàng tiêu dùng nhanh. Việc dễ dàng tiếp cận, thay đổi lối sống và nhận thức ngày càng tăng là những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng trong lĩnh vực này, theo ông Chia Zhi Wei.
Ấn Độ có dân số trẻ với trên 60% dân số dưới 35 tuổi, trong đó có 487 triệu người trong độ tuổi từ 15 – 34. Năm 2020 Ấn Độ có 432 triệu dân số thuộc tầng lớp trung lưu con số này được dự đoán sẽ tăng lên 715 triệu vào năm 2030. Tầng lớp trung lưu được xác định có mức thu nhập 6 nghìn – 36 nghìn USD mỗi năm.
Cũng theo ông Chia Zhi Wei, sự phát triển của các mặt hàng tiêu dùng nhanh còn được hỗ trợ bởi sự kết nối kỹ thuật số ngày càng tăng đã thúc đẩy doanh số bán hàng thông qua các cổng thương mại điện tử. Ấn Độ sẵn sàng trở thành thị trường thương mại điện tử lớn thứ hai thế giới vào năm 2034.
“Ngoài ra, các động lực chính khác bao gồm sắc đẹp và sức khỏe, điện tử tiêu dùng, hiệu thuốc điện tử, thời trang và may mặc, tạp hóa trực tuyến và chăm sóc cá nhân” – ông Chia Zhi Wei nói.
Hội thảo thu hút sự quan tâm đông đảo của các doanh nhân và giới báo chí.
Thị trường Ấn Độ là một trong những thị trường tiềm năng lớn nhất thế giới và tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. Các công ty Ấn Độ đã có mặt mạnh mẽ tại Việt Nam và đầu tư vào nhiều ngành công nghiệp khác nhau, bao gồm công nghệ thông tin, dược phẩm, năng lượng, dệt may và thực phẩm… Theo số liệu của Đại sứ quán Ấn Độ năm 2022-2023, thương mại song phương giữa Ấn Độ và Việt Nam đạt 14,7 tỷ USD, tăng 3,98%. Xuất khẩu của Ấn Độ sang Việt Nam đạt 5,91 tỷ USD trong khi nhập khẩu của Ấn Độ từ Việt Nam lên tới 8,79 tỷ USD.
Với quy mô dân số lớn và tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, Ấn Độ đang trở thành một thị trường tiềm năng cho các sản phẩm và dịch vụ từ Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam cũng là một thị trường hấp dẫn cho các doanh nghiệp Ấn Độ. Trong khuôn khổ chương trình xúc tiến thương mại của Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao (DN HVNCLC), để thông tin kịp thời về những nội dung mới và tìm hiểu quan hệ thương mại Việt Nam – Ấn Độ, ngày 11/5, tại Khách sạn Sài Gòn, quận 1, TP.HCM, Hội DN HVNCLC đã tổ chức hội thảo: “Kinh doanh tại Ấn Độ – Những nội dung quan trọng doanh nghiệp Việt Nam cần biết”.
“Ấn Độ là thị trường cực lớn, nhiều doanh nghiệp chỉ cần có 1-2 hợp đồng với Ấn Độ thì có thể xuất được lượng hàng rất lớn và thực tế thì chỉ cần xuất vào Ấn Độ thôi cũng không sản xuất kịp” – bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp những nhà nhập khẩu Ấn Độ – IICCI, cho biết thêm.
Tuy nhiên, để chinh phục được thị trường nghìn tỷ đôla này, các doanh nghiệp Việt cần phải vượt qua nhiều thách thức rất lớn, đặc biệt về văn hóa, tôn giáo, phân tầng xã hội và những quy định pháp lý đặc thù.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp những nhà nhập khẩu Ấn Độ – IICCI.
4 lưu ý về văn hóa kinh doanh
Với 28 bang và 8 vùng lãnh thổ cùng, đặc trưng sùng đạo cùng sự đa dạng về văn hóa, ngôn ngữ và những nét đặc thù của từng bang, vùng lãnh thổ, ông Chia Zhi Wei cho rằng đây là những thách thức lớn cho bất cứ doanh nghiệp nào muốn tiếp cận kinh doanh tại thị trường này. Ông Chia Zhi Wei đã khái quát bốn nét đặc trưng, cũng chính là bốn thách thức mà các doanh nghiệp muốn thâm nhập vào thị trường Ấn Độ cần phải lưu ý.
Thứ nhất, chuẩn mực giao tiếp khi kinh doanh: Người Ấn Độ thích giao tiếp theo phong cách gián tiếp, và họ nay nói chuyện nhỏ. Người Ấn Độ thường rất biểu cảm, với các tín hiệu phi ngôn ngữ cũng quan trọng không kém các tín hiệu bằng lời nói, chẳng hạn như sử dụng cử chỉ. Tiếng Anh là ngôn ngữ làm việc được ưa thích. Một điểm khác là người Ấn Độ họ thích mặc cả. Có thể xem “mặc cả” là một phần không thể thiếu trong văn hóa Ấn Độ. “Các chủ đề liên quan đến gia đình thường có thể nảy sinh trong các cuộc họp vì Ấn Độ là một xã hội định hướng mối quan hệ và những chủ đề như vậy có thể giúp xây dựng lòng tin” – ông Chia Zhi Wei nhấn mạnh.
Thứ hai là thủ tục và nghi thức họp kinh doanh: Việc lập kế hoạch cho các cuộc họp ở Ấn Độ đôi khi có thể ít “hình thức” hơn, việc các cuộc họp bắt đầu và kết thúc muộn có thể là điều bình thường. Cái bắt tay hay Namaste (cử chỉ lòng bàn tay chạm vào lòng bàn tay) thường được sử dụng trong lời chào kinh doanh. Hệ thống phân cấp rất quan trọng, đặc biệt là khi tương tác với Khu vực công. Các quyết định kinh doanh thường tập trung ở cấp trên. Chào hỏi người Ấn Độ bằng chức danh trang trọng của họ. “Hãy thực hành sự nhạy cảm về văn hóa và tránh tặng đồ từ da vì bò là vật linh thiêng đối với người theo đạo Hindu” – ông Chia nói.
Thứ ba là tầm quan trọng của mạng lưới kinh doanh và các mối quan hệ: Mạng lưới là hết sức quan trọng, đặc biệt là trong khu vực công. Thành công trong kinh doanh có thể dựa chủ yếu vào việc xây dựng niềm tin và mối quan hệ tích cực lâu dài với các đối tác. Các mối quan hệ cá nhân đóng một vai trò quan trọng trong kinh doanh. Sự giới thiệu của bên thứ ba có thể đóng một vai trò quan trọng vì người Ấn Độ thích làm việc với những người mà họ biết và tin tưởng. Mạng lưới thường có thể bao gồm người thân và bạn bè vì nó giúp tăng cường sự tin tưởng.
Thứ tư nhân lực: Thời gian làm việc không được vượt quá 9 giờ một ngày và 48 giờ một tuần. Cơ cấu tiền lương của Ấn Độ bao gồm lương cơ bản, phụ cấp, đóng góp an sinh xã hội và các khoản hoàn trả. Mức lương tối thiểu và cơ cấu tiền lương của Ấn Độ có thể khác nhau tùy theo tiểu bang, khu vực trong tiểu bang dựa trên mức độ phát triển (khu vực), ngành, nghề nghiệp và trình độ kỹ năng. Để tham khảo, mức lương tối thiểu hàng tháng ở Delhi (tính đến ngày 23 tháng 10) có thể dao động từ 210,2 USD đối với người lao động phổ thông đến 277,3 USD đối với sinh viên tốt nghiệp trở lên.
Đồng ý với các lưu ý về văn hóa kinh doanh của ông Chia Zhi Wei, bà Nguyễn Thị Thu Hiền nhấn mạnh thêm: Người Ấn Độ rất sùng đạo, khi đến làm việc bang nào phải tìm hiểu kỹ về văn hóa của họ, không chỉ ngôn ngữ nói mà còn ngôn ngữ hình thể, nhiều khi họ lắc đầu lại chính là đồng ý. Thứ hai bạn phải phải xây dựng mối quan hệ, khi họ đã tin là tin 100%, khi đã không tin thì là zero, tức là hoàn toàn không thể làm việc được nữa. Một điểm khác là cấu trúc phân cấp xã hội. Ấn Độ là nước có sự phân cấp xã hội rất lớn. Ở Việt Nam, người giúp việc có thể ăn cơm với chủ nhưng ở Ấn Độ thì tuyệt đối không. “Nếu sang Ấn Độ mà bạn nói chuyện thân thiện với người giúp việc thì họ sẽ nhìn bạn với “ánh mắt rất khác”. Đây là điều mà các doanh nhân Việt Nam khi sang Ấn Độ cần phải hết sức chú ý” – bà Hiền nói.
Với thế mạnh về công nghệ thông tin, phát triển kỹ thuật số đang là một trọng tâm của Ấn Độ với ba sáng kiến then chốt: Make In India (Sản xuất tại Ấn Độ: Thu hút đầu tư nước ngoài và củng cố lĩnh vực sản xuất của đất nước); Digital India initiative (Sáng kiến Ấn Độ kỹ thuật số): Nhằm mục đích biến Ấn Độ thành một xã hội được trao quyền kỹ thuật số và nền kinh tế tri thức; Smart Cities Mission (Sứ mệnh thành phố thông minh), với 100 thành phố được lựa chọn.
Ấn Độ hiện cũng là nơi có hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ lớn thứ ba trên toàn cầu, với hơn 38.000 công ty khởi nghiệp, hơn 5.500 nhà đầu tư và hơn 100 kỳ lân, trong đó gần một nửa được sinh ra vào năm 2021. Dựa trên đội ngũ nhân tài khoa học và công nghệ mạnh mẽ, môi trường hợp tác với các nhà nghiên cứu trong ngành, học viện và chính phủ.